Hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc trong con mắt người phương Tây

Trong lịch sử Trung Quốc có hai hoàng đế được coi là đạt đến “trình độ cải cách” lớn nhất là Tần Thủy Hoàng và Tùy Văn Đế. Trong thời gian nắm quyền, hoàng đế Tùy Văn Đế đã tiến hành cải cách quy mô lớn thể chế quản lý quốc gia. Trong con mắt người phương Tây, Tùy Văn Đế là hoàng đế vĩ đại nhất của lịch sử Trung Quốc.


Tùy Văn Đế là người sáng lập triều đại nhà Tùy trong lịch sử Trung Quốc, ở ngôi từ năm 581 đến năm 604. Vì sao vị hoàng đế này lại “tỏa sáng” trong con mắt của người phương Tây?

Thứ nhất, Tùy Văn Đế sáng lập cơ cấu trung ương tam tỉnh, lục bộ (tỉnh ở đây là tên cơ quan trung ương của triều đình, không phải là tỉnh - một đơn vị hành chính). Trưởng quan tam tỉnh là Thượng thư, Môn hạ, Nội sử, thực hiện chức năng như một “thủ lĩnh”, phối hợp hỗ trợ hoàng đế xử lý các vấn đề quốc gia.

Tỉnh Thượng Thư là cơ quan hành chính cao nhất của quốc gia, dưới có 6 bộ Lại, Lễ, Binh, Hình, Công. Mỗi bộ thiết lập một thượng thư lệnh làm quan.

Cách sắp xếp cơ cấu như vậy không chỉ tăng cường quyền lực trung ương, mà còn mở ra giai đoạn mới cho thể chế phân chia quyền lực của xã hội phong kiến Trung Quốc.

Thứ hai, Tùy Văn Đế đơn giản hóa cơ cấu hành chính địa phương. Trong thời kỳ Nam Bắc triều, địa phương hỗn loạn, ba cấp hành chính là châu, quận, huyện phức tạp, người đứng đầu có thể đưa bạn bè họ hàng lên làm quan, lạm dụng quyền thế cai trị địa phương hết sức vô lý, người dân bất mãn, bè phái phân chia.

Lúc đó, Tùy Văn Đế đã tiến hành cải cách cơ cấu, mạnh dạn thu gọn ba cấp thành hai cấp châu và huyện. Đồng thời, ông còn thực hiện nghiêm ngặt số lượng người làm quan các cấp: giảm từ 323 quan cấp châu xuống còn 167, từ 99 quan cấp huyện xuống 49.

Điều này không những giảm bớt chi phí cho quốc gia, giảm gánh nặng cho nhân dân, mà còn nâng cao hiệu quả hành chính, tăng cường sự kiểm soát chính quyền giữa trung ương và địa phương.

Thứ ba, Tùy Văn Đế bãi bỏ hành xử tra tấn, sửa đổi và đưa ra “Luật Khai Hoàng”. 81 điều về tội tử hình, 150 điều về tội lưu (là hình phạt đày phạm nhân đi xa khỏi nơi cư trú, có phân biệt xa gần và thời hạn lưu đày), hơn 1000 điều về tội phạt tù đều bãi bỏ, đã giảm bớt tính dã man và tàn khóc của luật pháp, có ý nghĩa rất lớn với hệ thống pháp luật sau này của Trung Quốc.

Thứ tư, Tùy Văn Đế tiếp tục thực hiện chế độ quân điền. Đầu thời Tùy, dựa trên nền tảng của chế độ này của đời trước, Tùy Văn Đế ra quy định: chia cho nam thanh niên, nam trung niên 80 mẫu lộ điền (ruộng đất không có nhà cửa, cây cối trên đó), 20 mẫu ruộng đất trồng trọt lâu dài, phụ nữ được 20 mẫu lộ điền.

Đối với nông dân thông thường, thực hiện chính sách thu thuế thấp; đối với việc sát nhập đất của địa chủ cường hào sẽ bồi thường một khoản tiền. Từ đó khiến người dân tích cực tham gia sản xuất, tăng thuế thu nhập cho quốc gia.

Thứ năm, xây dựng kho lương thực cứu đói cho dân. Tùy Văn Đế đã cho xây một số kho lương thực tại Lạc Dương và vài nơi khác để nhân dân có thể quyên góp và bảo đảm cuộc sống cho toàn xã hội khi gặp khó khăn.

Thứ sáu, thiết lập chế độ khoa cử làm quan. Trước đời Tùy, người trong gia tộc nắm độc quyền nhà nước. Tùy Văn Đế thực hiện chế độ này bởi ông coi trọng người tài, có tài mới được làm quan. Việc cải cách này đã giảm bớt đặc quyền của các gia tộc, ảnh hưởng lớn cho thế hệ sau.

Nhà Tùy và nhà Tần có nhiều điểm tương đồng nhau, đều đóng góp công lao lớn đối với sự nghiệp thống nhất Trung Quốc, cải cách và sáng lập nhiều vấn đề hành chính quốc gia.

0 nhận xét: