ĐẾ THUẤN

Đế Thuấn (舜) là một vị vua huyền thoại thời Trung Quốc cổ đại, nằm trong Ngũ Đế. Tên khi sinh của ông Diêu Trọng Hoá (姚重華). Ông cũng được gọi là Hữu Ngu Thị (有虞氏).

Vua Thuấn, cùng với các vua Nghiêu, được Khổng giáo coi là những vị vua kiểu mẫu, và là những tấm gương đạo đức

Thân thế

Thuấn nổi tiếng là người hiền đức trong thiên hạ. Theo truyền thuyết, mẹ ông, Ốc Đăng là người rất hiền đức mất sớm, cha là Cổ Tẩu lấy vợ khác và sinh ra Tượng. Dù bị mẹ con Tượng và cả Cổ Tẩu đối xử không tốt, Thuấn vẫn một mực hiếu thuận, giữ đúng đạo làm con.

[sửa] Cai trị

[sửa] Được Nghiêu truyền ngôi

Danh tiếng của Thuấn đồn xa. Ông được vua Nghiêu mời giúp cai quản việc nước và gả cho hai người con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh. Sau một thời gian, Nghiêu già yếu, Thuấn được Nghiêu nhường ngôi khi 53 tuổi và chết khi 100 tuổi. Ông đặt thủ đô của vương quốc tại Bồ Phản (蒲阪), Sơn Tây hiện nay). Ông cũng được gọi là Đại Thuấn (大舜) hay Ngu Thuấn (虞舜).

Việc Nghiêu chọn Thuấn nhường ngôi chứ không nhường ngôi cho con mình là Đan Chu thường được sử sách đời sau coi là tấm gương mẫu mực của việc chọn người tài đức chứ không vì lợi ích riêng tư của dòng họ.

[sửa] Theo Trúc thư kỉ niên

Tuy nhiên có ý kiến căn cứ vào Trúc thư kỉ niên, cuốn biên niên sử nước Ngụy thời Chiến Quốc cho rằng:

Thuấn giam Nghiêu ở Bình Dương rồi cướp lấy ngôi vua.
Thuấn giam Nghiêu và không cho Đan Chu gặp cha.[1].

[sửa] Truyền ngôi cho Vũ

Thời cổ đại, trị thuỷ để ổn định cuộc sống, phát triển việc cày cấy là việc cấp bách hàng đầu. Theo sử sách, Thuấn sai Cổn làm việc trị thuỷ. Cổn trị thuỷ không thành công nên bị Thuấn xử tội chết.

Thuấn lại dùng con Cổn là Hạ Vũ trị thuỷ. Sau nhiều năm, Hạ Vũ trị thuỷ thành công, vì thế được Thuấn chọn làm người kế vị. Thuấn không truyền ngôi cho con mình là Thương Quân mà trao ngôi báu cho Hạ Vũ.

[sửa] Trong văn học Việt Nam

Tượng vua Thuấn minh họa hiếu cảm động trời của ông trong Nhị thập tứ hiếu

Trong văn học Việt Nam, thời Nghiêu, Thuấn được dùng làm điển cố miêu tả thời thái bình, (ngoài) đường không lượm của rơi, (trong) nhà khỏi lo đóng cửa.

Trong vở kịch thơ “Kiều Loan”, Hoàng Cầm dùng hai chữ “Nghiêu Thuấn” để chỉ cách cai trị nhân từ và công bằng. Khi quan Thị lang muốn trừng trị một người dân vì có nói lời chỉ trích triều đình vua Gia Long, viên quan Tham tri can:

Xin đại nhân chớ vội vàng lên án
Cửa miệng dân gian không thiếu những điều
Ca tụng Tây Sơn, oán trách đương triều
Dân oán hận phải tìm ra gốc ngọn
Đây là Kiệt Trụ hay đây là Nghiêu Thuấn?
Chúa thượng nhân từ sao oán hận không nguôi?

Điển cố này cũng ảnh hưởng khía cạnh khác của đời sống người Việt Nam, kể cả tôn giáo. Bài Kệ U Minh Chung của đạo Cao Đài có câu:

Nam mẫu Đông giao cu triêm Nghiêu Thuấn chi nhựt.

Dịch nghĩa: Đất đai trong nước đều thấm nhuần thời thái bình an lạc.

Một điển cố khác liên quan đến vua Thuấn là sông Tương.

Theo truyền thuyết, vua Thuấn đi tuần thú đất Thương Ngô ở miền sông Tương không may bị bệnh chết. Hai người vợ là Nga Hoàng và Nữ Anh (con vua Nghiêu) đi tìm vua đến bên sông Tương, ngồi bên bờ sông khóc lóc thảm thiết rồi trầm mình tự tử. Do đó, giọt Tương hay mạch Tương thành điển cố chỉ giọt nước mắt, nhất là nếu khóc vì tình.

Trong truyện Kiều có câu:

Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch Tương

(Kiều khóc)

Điển cố này cũng dùng cho phái nam, như trong câu sau, cũng trích truyện Kiều:

Giọt châu lã chã khôn cầm
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương!

(Thúc Sinh khóc)

Từ biểu tượng “khóc vì tình”, điển này có khi nới rộng ra để nói về việc buồn (dù có thể không khóc) vì tình, như câu sau trong Bích câu kỳ ngộ:

Ỏi tai những tiếng đoạn trường
Lửa tình dễ nguội sóng Tương khôn hàn

0 nhận xét: